Cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN
28/07/2016 07:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và những điểm mới trong việc thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 và Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Ngày 22 tháng 4 năm 2016 Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BHXH (QĐ 636/QĐ-BHXH) quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, thay thế Quyết định số Quyết định số 01/QĐ-BHXH ngày 03 tháng 01 năm 2014 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Điều 2 Quyết định số 1018/QĐ-BHXH ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Điều 1 Quyết định số 919/QĐ-BHXH ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bãi bỏ Công văn số 5435/BHXH-CSXH ngày 31 tháng 12 năm 2015 về hướng dẫn tạm thời việc thực hiện các chế độ BHXH từ ngày 01/01/2016. Cùng với việc ban hành Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 về Thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, thì cho đến nay ngành BHXH đã cơ bản đầy đủ các hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và quy trình thực hiện theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH 2014).
Thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian vừa qua, ngành BHXH đã đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính. Nếu như năm 2015 trở về trước, ngành BHXH có 115 thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN thì đến đầu năm 2016 chỉ còn lại 33 thủ tục hành chính, so với trước đây, số lượng hồ sơ giảm 56%; chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu giảm 82%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 78%. Nếu như năm 2015 trở về trước, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp là 235 giờ (theo WB & PwC), thì đầu năm 2016 chỉ còn lại 81 giờ (ngang chuẩn ASEAN-6), phấn đấu đến cuối năm 2016 giảm xuống còn 49,5 giờ (ngang chuẩn ASEAN-4). Theo lộ trình, đến năm 2020 sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH và hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước.
Về quy trình thủ tục giải quyết chế độ BHXH theo Quyết định 636/QĐ-BHXH có một số điểm mới, theo hướng ngắn gọn nhưng đầy đủ, đúng theo quy định, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm để giảm thời gian nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Về các chế độ BHXH, thực hiện theo Luật BHXH 2014 có rất nhiều điểm mới, đặc biệt nhiều nhất tập trung trong các chế độ về ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức; Chế độ BHTN được điều chỉnh bởi Luật Việc làm số 38/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, hiện nay vẫn giải quyết theo Luật BHXH 2014, thời gian tới sẽ thực hiện khi có hướng dẫn mới; Chế độ TNLĐ-BNN từ ngày 01/01/2016 được điều chỉnh bởi Luật BHXH 2014, kể từ 01/07/2016 trở đi sẽ được điều chỉnh bởi Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13. Một điểm mới trong Luật BHXH 2014 là việc quy định không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện; Hợp nhất quỹ BHXH tự nguyện với quỹ hưu trí và tử tuất.
Về đối tượng tham gia BHXH. Kể từ ngày 01/01/2016 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tương tự, từ ngày 01/01/2018 người lao động làm việc theo HĐLĐ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; Người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Chế độ ốm đau. Quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày; Thời gian hưởng chế độ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ nghỉ hàng tuần. Thời gian hưởng chế độ tối đa trong năm tính theo năm dương lịch không phụ thuộc thời điểm bắt đầu tham gia. Việc xác định người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên để tính thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm, được căn cứ vào nghề, công việc và nơi làm việc của người lao động tại thời điểm người lao động bị ốm đau, tai nạn. Thời gian nghỉ việc do bị ốm đau, tai nạn quy định rõ phải ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.
Chế độ thai sản. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động không phải đóng BHXH, trong trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con; Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con; Cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc. Một số điểm cần lưu ý: Mức hưởng chế độ thai sản không được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng; Thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản. Một số nội dung mới: Thời gian nghỉ thai sản trước khi sinh, đối với nữ, tối đa không quá 02 tháng; Lao động nam được nghỉ việc, trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con 05 ngày, 07 ngày (khi vợ sinh con phải phẫu thuật; sinh con dười 32 tuần tuổi), 10 ngày hoặc 14 ngày tùy trường hợp; Đối với lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ cần đóng BHXH từ đủ 03 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (thay vì 06 tháng như hiện hành). Chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ: Được hưởng các chế độ khi mang thai: khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu,... Khi sinh con được hưởng trợ cấp một lần khi sinh, hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau sinh. Chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ: Hưởng chế độ từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi; Trường hợp không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (DSPHSK) sau ốm đau, thai sản quy định chung một mức 30% mức lương cơ sở/ngày. Trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc (sau ốm đau, thai sản) mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Tổng thời gian nghỉ DSPHSK được tính cộng dồn theo năm làm việc, tính lại từ đầu khi qua năm tiếp theo. Thời gian nghỉ DSPHSK cũng phải ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.
Chế độ tử tuất. Chế độ mai táng phí được áp dụng cho cả người tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia BHXH tự nguyện hoặc vừa tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện. Luật BHXH 2014 cũng quy định mở hơn đối với trường hợp tuất một lần, thân nhân người lao động được quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc tuất một lần (trong trường hợp đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng), trừ trường hợp thân nhân là con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên.
Chế độ hưu trí. Quy định mới về nghỉ hưu do suy giảm KNLĐ, đủ 20 năm đóng BHXH (về hưu trước tuổi): Khi nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động (KNLĐ) từ 61% đến 80% thực hiện theo lộ trình, năm 2016 là đủ 51 tuổi đối với nam - đủ 46 tuổi đối với nữ; tương tự là năm 2017: 52 (nam) - 47 (nữ), năm 2018: 53 (nam) - 48 (nữ), năm 2019: 54 (nam) - 49 (nữ), năm 2020 trở đi: đủ 55 tuổi đối với nam - đủ 50 tuổi đối với nữ. Trường hợp suy giảm KNLĐ 81% trở lên, được xét về hưu khi đủ 50 tuổi đối với nam và đủ 45 tuổi đối với nữ. Tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi, tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm trừ 2% (kể từ ngày 01/01/2016). Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến 06 tháng thì mức giảm là 1%, trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi của năm đó. Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng (trong trường hợp Nghỉ hưu đúng tuổi; Nghỉ hưu do suy giảm KNLĐ) thì thời điểm hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu. Luật BHXH 2014 cũng quy định: Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu; Việc xác định là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách được căn cứ vào thời điểm trước khi nghỉ việc. Bổ sung quy định giải quyết BHXH một lần đối với người mắc bệnh hiểm nghèo (kể cả trường hợp có trên 20 năm đóng BHXH). Tăng mức trợ cấp BHXH một lần lên mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016: Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính lương hưu được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí; Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi: được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ.
Một số nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện giải quyết chế độ BHXH tại tỉnh Ninh Thuận cũng được nêu ra thảo luận và làm rõ như: Việc giải quyết chế độ nghỉ dưỡng sức đối với giáo viên trong thời gian nghỉ hè; Thủ tục quy trình trong việc cộng nối thời gian công tác không phải đóng BHXH,... Việc cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, quyết tâm cao trong toàn ngành BHXH, nhất là từ phía lãnh đạo cao nhất của ngành BHXH. Thực tế cho thấy, Quyết định 636/QĐ-BHXH ra đời thể hiện rõ hơn quyết tâm đó của toàn ngành BHXH, góp phần đưa chính sách BHXH vào cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội của quốc gia.
Hoàng Anh Phong - Phòng TN&TKQTTHC
Tham gia BHXH để tuổi già an vui
Tạp chí Bảo hiểm xã hội và cuộc sống - Tháng ...
Giữ lao động trong lưới an sinh
Tạp chí BHXH và cuộc sống tháng 5-2024