Phát triển hệ thống An sinh xã hội bền vững- Hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam

20/02/2020 03:48 PM


Chiều ngày 20/02/2020 tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững - Hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam”. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo về phía các chuyên gia quốc tế có: Ngài Marcelo Caetano, Tổng Thư ký Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA); Ngài Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; Ngài Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam; Keiko Inoue, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Ngài Ouk Samvithyea, Giám đốc Quỹ An sinh xã hội quốc gia Cam-pu-chia, Phó Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA)...

Về phía BHXH Việt Nam có các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Đình Khương, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Đảng uỷ cơ quan BHXH Việt Nam; Văn phòng Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam; BHXH TP Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, vì lợi ích của mọi người dân

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhiệt liệt chào mừng đại diện các tổ chức quốc tế (ILO, WHO, WB), đại diện Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) cùng toàn thể quý vị đại biểu tới dự Hội thảo; đặc biệt là Ngài Marcelo Caetano, Tổng Thư ký ISSA lần đầu tiên đến thăm đất nước Việt Nam và tham dự Hội thảo này.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh chia sẻ, năm 2020 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam khi đảm nhiệm đồng thời vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là những trọng trách đa phương khu vực và thế giới thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới về an sinh xã hội thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực, có tính kết nối của BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019 và cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ISSA nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững an sinh xã hội trên phạm vi toàn cầu như mục tiêu của ISSA đề ra, đồng thời thúc đẩy cộng đồng an sinh xã hội ASEAN "gắn kết và chủ động thích ứng" trước tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động trong khu vực như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Tinh thần đó được thể hiện xuyên suốt trong chuyến thăm của Ngài Tổng Thư ký ISSA thông qua các hoạt động kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế như cuộc Hội thảo hôm nay hay cuộc họp Kết nối ISSA - ASSA ngày mai cũng như quan điểm của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu trong buổi làm việc sáng nay với Ngài Tổng Thư ký ISSA.

Năm 2020 cũng là năm BHXH Việt Nam kỷ niệm 25 năm thành lập và 5 năm chính thức gia nhập ISSA. Trên suốt chặng đường phát triển của mình BHXH Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ILO, WHO, WB, ASSA và ISSA, những tổ chức hiện diện ở đây, giúp BHXH Việt Nam tiếp cận, nắm bắt và vận dụng những kiến thức kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và phát triển ngành BHXH chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong 25 năm qua là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực phát triển không ngừng của BHXH Việt Nam và sự trợ giúp có hiệu quả của các đối tác song phương và đa phương quốc tế.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nêu rõ, thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển của Chính phủ để BHXH, BHYT thực sự trở thành hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, mở rộng vững chắc diện bao phủ hướng tới BHYT và BHXH toàn dân, từng bước hình thành và phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, BHXH Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, năng lực quản trị hệ thống, ứng dụng CNTT, trao đổi thông tin và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, nhất là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm tăng khả năng thích ứng với quá trình cải cách an sinh xã hội trên thế giới, ứng phó tốt hơn trước những tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ trưởng nhận định, Hội thảo này chính là hành động cụ thể hóa nhu cầu hỗ trợ của BHXH Việt Nam và khả năng đáp ứng của các đối tác trong nỗ lực chung xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, vì lợi ích của mọi người dân. Phát triển nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình này đòi hỏi sự quyết tâm, tính năng động và sáng tạo vượt bậc của mỗi chúng ta.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh mong muốn, Hội thảo quốc tế chủ đề “Phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững - Hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam” sẽ góp phần thực hiện được những mục tiêu và định hướng phát triển của Chính phủ Việt Nam để BHXH, BHYT thực sự trở thành hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, đạt được mục tiêu BHYT và BHXH toàn dân.

Chia sẻ những kết quả đạt được, thách thức, định hướng phát triển BHXH, BHYT tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ toàn diện tất cả các chỉ tiêu về BHXH, BHYT được Đảng, Chính phủ giao. Cụ thể, Hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước và thông lệ quốc tế; Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng mở rộng với gần 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm 32% lực lượng lao động), gần 86 triệu người tham gia BHYT (chiếm 90% dân số) - đây là một thành công của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thu nhập đầu người còn thấp; số người hưởng chế độ BHXH, BHYT tăng nhanh; số lượt người được thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT hàng năm vượt trên 2 lần dân số. Quỹ BHXH, BHYT trở thành quỹ an sinh lớn nhất; Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT đạt nhiều kết quả nổi bật: cắt giảm ¾ số thủ tục hành chính, xây dựng CSDL quốc gia và cấp mã định danh BHXH cho 97 triệu người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế số và chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội và đặc biệt là đưa vào vận hành Hệ thống giám định BHYT điện tử kết nối với 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám định tự động chi phí BHYT giúp quản lý, sử dụng quỹ BHYT công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây cũng chính là công trình của BHXH Việt Nam đã được ISSA tặng Giải thưởng toàn cầu về ứng dụng CNTT năm 2018. Chính sách BHXH, BHYT đã dần trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân, doanh nghiệp đóng góp thành tựu vào nền kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới...

Giải pháp phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững

Cũng trong phần phát biểu của mình, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đã nêu những thách thức mà Ngành BHXH nói riêng, an sinh xã hội tại Việt Nam nói chung đang đối mặt, đó là thách thức trong xây dựng chính sách. Theo đó, tại Việt Nam diện bao phủ khu vực phi chính thức, tăng nhanh qua từng năm nhưng mới đạt 32% tham gia BHXH, còn 10% người dân chưa có BHYT; Thách thức về quản lý chi phí KCB BHYT, phương thức thanh toán đang áp dụng là thanh toán theo dịch vụ, trong điều kiện chi phí ngày càng nâng cao, cơ sở KCB thực hiện cơ chế tự chủ, Chính phủ áp dụng không tăng mức đóng; Thách thức thiết kế tổ chức thực hiện trong bối cảnh già hoá dân số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam là nước có độ mở cao, vì vậy việc dịch chuyển lao động trong bối cảnh này là rất lớn, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ tác động về thị trường lao động mà tác động trực tiếp đến phương thức tổ chức cung cấp dịch vụ đối với người dân của BHXH; Thách thức nữa là nhận thức và tính tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp; Thách thức yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ và người dân đối với BHXH Việt Nam.

 

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng nêu ra phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp của BHXH Việt Nam trong thời gian tới, đó là tiếp tục cải cách chính sách BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập, đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững; Tập trung phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Tăng cường truyền thông, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm; Tăng cường đào tạo, hợp tác quốc tế; Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, bao gồm cả ứng dụng CNTT cải cách thủ tục hành chính.

Ngài Marcelo Caetano, Tổng Thư ký Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA)

Tại Hội thảo, Tổng Thư ký ISSA Marcelo Caetano chia sẻ về một số nguyên tắc và quan điểm cơ bản về phát triển hệ thống an sinh xã hội, 10 thách thức về an sinh xã hội trên thế giới; các quỹ an sinh xã hội trong nền kinh tế số; Hàm ý đối với Việt Nam. Theo đó, Tổng Thư ký của ISSA nhấn mạnh, 10 thách thức về an sinh xã hội trên thế giới hiện nay đó là (1) Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa tiếp cận hệ thống An sinh xã hội của các nhóm đối tượng trong xã hội đặc biệt là nhóm tự hành nghề, lao động ở nông thôn, người lao động ở khu vực phi chính thức cũng như lao động nữ; (2) Đảm bảo tiếp cận với hệ thống An sinh xã hội đầy đủ cho suốt cuộc đời của người lao động: Trong thế giới đang biến đổi nhanh chóng, thất nghiệp hay việc làm không thường xuyên cũng là một yếu tố tác động đến lương hưu của người lao động khi nghỉ hưu và nhiều lao động thậm chí còn bị đe dọa sẽ không có lương hưu khi ngừng làm việc do đóng không đủ số năm để hưởng lương hưu; (3) Già hóa dân số chắc chắn làm tăng gánh nặng chi phí y tế và chi phí cho hệ thống An sinh xã hội; (4) Việc làm cho thanh niên đặc biệt là nhóm đối tượng trình độ thấp, ít đào tạo; (5) Tác động của nền kinh tế số, internet đến cấu trúc xã hội, cấu trúc thị trường lao động dẫn đến nhu cầu điều chỉnh các khái niệm lao động, pháp luật liên quan; (6) Nhu cầu chăm sóc sức khỏe đối với các bệnh mãn tính, các bệnh nhân không thể tự chăm sóc hoặc bệnh nhân trong giai đoạn cận tử; (7) Các biến động tự nhiên và xã hội như thay đổi khí hậu, bệnh dịch, bệnh mới; (8) Di dân và di cư lao động đòi hỏi sự phát triển của hệ thống An sinh xã hội của các quốc gia có dân rời đi cũng như các quốc gia tiếp nhận, chưa nói kể cả nguồn lực và cách tiếp cận; (9) Sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại cơ hội, nhưng cũng là thách thức mới trong quản trị, quản lý sử dụng dữ liệu lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức có liên quan; (10) Yêu cầu ngày càng cao của công chúng về chất lượng dịch vụ công.

“Đó là những nghiên cứu và theo dõi của ISSA trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên với mỗi khu vực, quốc gia mức độ thách thức của những yếu tố này là khác nhau. Với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hiện có 4 thách thức lớn nhất mà các cơ quan an sinh xã hội cần quan tâm giải quyết” – Tổng Thư ký ISSA nhận định.

Cụ thể, theo ông, với Châu Á - Thái Bình Dương, thách thức đầu tiên là khoảng cách bất bình đẳng giữa tiếp cận an sinh xã hội giữa các nhóm đối tượng. Hiện, độ bao phủ BHXH với người già mới đạt trên 50%, người dễ bị tổn thương 16,4% và người khuyết tật nặng mới đạt dưới 10%. Để giải quyết vấn đề này, Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: các tổ chức an sinh xã hội cần đổi mới, sáng tạo trong thiết kế và thực hiện các chế độ, chính sách; tìm kiếm giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận cho người lao động chính thức, ứng dụng CNTT, tăng cường truyền thông.

Thách thức thứ 2 là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các bệnh mãn tính cao. Hiện tỷ lệ chi từ tiền túi cho y tế của người dân khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn ở mức cao; trong khi các bệnh mãn tính, không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp cao có sự gia tăng nhanh chóng. Để giải quyết vấn đề này, Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: Cần tăng cường hỗ trợ chăm sóc ban đầu, chăm sóc tại cộng đồng; giảm gánh nặng về tài chính và các rào cản khác về chăm sóc y tế; tăng cường các mô hình chăm sóc dài hạn.

Thách thức thứ 3 là kỳ vọng ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ. Theo nghiên cứu 38% người dân châu Á - Thái Bình Dương thích sử dụng công nghệ số trong thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội (cao hơn mức 25% toàn cầu). Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: Các tổ chức cần quan tâm đến sở thích này của người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ điện tử, di động để nâng cao hiệu quả phục vụ.

Thách thức 4 là vấn đề già hóa dân số khi hiện nay, số người trên 65 tuổi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 50% toàn cầu. Cho thấy tốc già hóa dân số trong khu vực này đang tăng nhanh. Dự báo, số đối tượng trên 65 tuổi ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng từ 500 triệu người năm 2015 lên trên 1 tỷ người vào năm 2050. Giải pháp ứng phó, Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: cần tăng đối tượng hưởng hưu trí và dịch vụ chăm sóc dài hạn; hỗ trợ khả năng hoạt động, làm việc của người cao tuổi; bên cạnh đó cần đảm bảo bền vững quỹ BHXH trên nguyên tắc đóng – hưởng…

Tại Hội thảo, đại diện WB chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về BHXH và hàm ý cho Việt Nam; ILO chia sẻ nội dung Xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững; WHO trình bày Giải pháp xây dựng tài chính y tế công bằng bền vững; ISSA cũng đã giới thiệu các hướng dẫn về thực hiện an sinh xã hội tốt...

Kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đánh giá, các tham luận, ý kiến góp ý của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đều rất có giá trị thực tiễn với BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Từ những nghiên cứu, bài học kinh nghiệm trên thế giới, BHXH Việt Nam có thêm những giải pháp, kế hoạch để ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện tại. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế để xây dựng Ngành BHXH ngày càng phát triển, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp./.

Bích Thuỷ