Tiếp tục tăng cường học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe ngay tại học đường.

29/10/2024 10:13 AM


Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên (HSSV) là một chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh, đảm bảo các em có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách kịp thời và giảm gánh nặng tài chính cho gia đình khi gặp phải các vấn đề về sức khỏe.

Với quan điểm công tác chăm lo sức khỏe Nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT. Luật BHYT năm 2014 đã quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 06 tháng hoặc 01 năm/ lần nộp vào Quỹ BHYT.

Tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT.

Như vậy, ngoài trách nhiệm phải thu BHYT học sinh, sinh viên, các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học để tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo quy định. Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/05/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể, chi tiết các nội dung của y tế trường học; bao gồm việc bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học; hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu; hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bệnh nhân là học sinh sinh viên được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị bệnh lên đến hàng chục triệu đồng ví dụ như: Em học sinh có mã thẻ HS4585820780852 tổng chi phí điều trị hết 43.362.209đ trong đó quỹ BHYT đã chi trả  34.689.767đ bệnh nhân cùng chi trả 8.672.442đ; hay trường hợp em học sinh có mã thẻ HS4585820023240 tổng chi phí điều trị hết 34.545.710đ trong đó quỹ BHYT đã chi 27.636.568đ và bệnh nhân cùng chi trả 6.909.142đ. Riêng tại huyện Ninh Hải cũng có rất nhiều trường hợp cứu, điều trị các bệnh khác nhau và đã được quỹ BHYT chi trả, giảm gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như em học sinh có mã thẻ HS4585820331664 với tổng chi phí 12.218.020đ trong đó quỹ BHYT chi trả 9.774.416đ và bệnh nhận cùng chi trả 2.443.604đ; Hay trường hợp em sinh viên với mã thẻ SV4795820288670 có tổng chi phí điều trị 12.058.700đ quỹ BHYT đã chi trả 9.646.960đ và bệnh nhận cùng chi trả 2.411.740đ. Từ những số liệu trên, có thể khẳng định chính sách BHYT mang ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Đồng hành cùng các thế hệ HSSV nói riêng và người tham gia BHYT nói chung, trong nhiều năm qua, tấm thẻ BHYT đã được xem là “chiếc phao cứu sinh” không thể thiếu của mỗi người. Đặc biệt, với những HSSV, những người bị bệnh hiểm nghèo có thời gian chữa trị bệnh lâu dài thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội.

Tính đến 20/10/2024 tỷ lệ tham gia BHYT tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đạt 91%. Trong đó, tỷ lệ khối Đại học/cao đẳng đạt 97%, khối Tiểu học đạt 93%, khối THCS đạt 90% và khối THPT đạt 87%. Thực tế cho thấy, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã triển khai nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, bao gồm cả công tác thu và tổ chức thực hiện y tế học đường song tỷ lệ này vẫn còn thấp. Chính vì vậy, phía Nhà trường cần tích cực vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia BHYT, thực hiện nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, nhận thức rõ vai trò và thực hiện công tác thu, y tế học đường theo đúng quy định pháp luật, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải phổ biến rõ tới phụ huynh học sinh, sinh viên về nghĩa vụ tham gia BHYT là quy định bắt buộc đã được Luật hóa. Đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT để được chăm sóc, chữa trị kịp thời, giảm thiếu gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Truyền thông để học sinh, sinh viên nhận thức rõ việc tham gia BHYT là thực hiện nghĩa vụ, chấp hành pháp luật của công dân.

Đến thời điểm này, huyện Ninh Hải có 06 trường đã xuất sắc về đích sớm, đạt 100% HSSV tham gia BHYT tại Nhà trường, để đảm bảo quá trình tham gia liên tục, không bị ngắt quãng, ảnh hưởng tới quyền lợi của HS, giáo viên đã chủ động kêu gọi, trích quỹ hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các em có hoàn cảnh khó khăn trước và phụ huynh sẽ góp tiền trả dần cho giáo viên sau. Song song đó về phía nhà trường cũng đã kêu gọi mạnh thường quân, tổ chức, đơn vị thiện nguyện tặng thẻ BHYT cho những học sinh nghèo, khó khăn. Mặt khác, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học có cán bộ y tế luôn thường trực không chỉ giúp học sinh, sinh viên và gia đình các em phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường liên quan thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống, gãy tay, gãy chân… mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, bảo đảm sức khỏe các em trong tương lai. Vì thế các bậc phụ huynh đã yên tâm, tin tưởng khi con cái học tập trong trường.

Cán bộ y tế tại trường học chăm sóc, thăm khám khi học sinh bị bệnh

Để phát triển BHYT học sinh, sinh viên nói riêng cũng như BHYT nói chung một cách bền vững, công tác truyền thông phải được chú trọng thường xuyên, liên tục, đi sâu nắm bắt đặc thù và có hình truyền thông phù hợp, chất lượng, hiệu quả với từng nhóm đối tượng. Thay đổi tư duy, quan niệm chỉ tham gia BHYT lúc ốm đau sang tâm thế chủ động tham gia BHYT ngay từ khi còn đang khỏe mạnh - coi đó là cách tốt nhất để phòng ngừa, ứng phó rủi ro và góp phần chia sẻ với cộng đồng thông qua việc tham gia BHYT./.

Ánh Phượng – BHXH Ninh Hải