Vơi bớt nỗi lo viện phí tăng

21/09/2019 05:02 PM


      Từ ngày 20-8, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) có điều chỉnh tăng tại các cơ sở y tế. Như vậy, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá với mức 2-10% (ở giá các dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh, xét nghiệm...). Câu hỏi đặt ra là, người có thẻ BHYT không may mắc bệnh (cả bệnh hiểm nghèo) có được khám, chữa bệnh chu đáo hay không?

Từ ngày 20-8, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) có điều chỉnh tăng tại các cơ sở y tế. Như vậy, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá với mức 2-10% (ở giá các dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh, xét nghiệm...). Câu hỏi đặt ra là, người có thẻ BHYT không may mắc bệnh (cả bệnh hiểm nghèo) có được khám, chữa bệnh chu đáo hay không?

Cứu cánh cho người nghèo

Năm 2013, chị Nguyễn Thị Lan (43 tuổi, ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đi khám và phát hiện mình bị mắc bệnh bạch cầu. Chị tâm sự: "Khi mới biết mình mắc bệnh, tôi vừa sợ, vừa lo không đủ tiền chữa bệnh. Được cán bộ BHXH huyện Thuận Thành và các bác sĩ ở Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hướng dẫn, tôi chuyển được BHYT, hưởng hỗ trợ từ BHYT 80% cho toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Nếu không có BHYT làm "cứu cánh", tôi và gia đình không thể trụ được đến ngày hôm nay. Bởi bệnh tôi cần được điều trị lâu dài, chi phí cao”. Hằng tháng, chị Lan vẫn duy trì khám và lấy thuốc điều trị. Nếu không có BHYT, mỗi tháng chị phải chi phí khoảng hơn 9 triệu đồng tiền thuốc; có BHYT, mỗi tháng, tiền khám và điều trị chỉ còn khoảng 1,2 triệu đồng. Thấy được lợi ích to lớn của thẻ BHYT, chị đã mua toàn bộ BHYT cho gia đình theo chính sách BHYT hộ gia đình.

Vơi bớt nỗi lo viện phí tăng

Bà Nguyễn Thị Mầu mắc bệnh tim, được BHYT chi trả 95% chi phí chữa bệnh.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Mầu (65 tuổi, ở xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành) được cứu sống, thoát khỏi nợ nần cũng từ tấm thẻ BHYT. Bà Mầu kể, năm 2018 bà không may bị tai nạn lao động, phải cắt đi một ngón tay bên bàn tay phải. Họa vô đơn chí, bà còn phải phẫu thuật thay van tim hai lá tại Bệnh viện Bạch Mai. Chi phí cho đợt chữa bệnh đó lên đến 115 triệu đồng. “Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó khó khăn lắm. May mắn cho tôi và gia đình, nhờ có BHYT mà tôi được cứu sống, không bị nợ nần do chi phí chữa bệnh cao”.

Chị Nguyễn Thị Chuyên (36 tuổi, ở huyện Thuận Thành) thuộc diện hộ cận nghèo, nhờ có BHYT mà được chữa bệnh kịp thời. Chị bị mắc bệnh tim bẩm sinh, chi phí khám, chữa bệnh (KCB) và duy trì thuốc cũng ngót nghét 1 triệu đồng/ngày điều trị. BHYT chính là phao cứu sinh vì chị được hưởng 95% chi phí KCB từ BHYT.

Giảm bớt gánh nặng kinh phí

Có thể thấy, thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả từ 80% đến 100% chi phí KCB theo phạm vi và quyền lợi được hưởng, tùy vào nhóm đối tượng. Trên thực tế, nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố (gồm cả lương của cán bộ y tế). Việc tham gia BHYT là lựa chọn sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí KCB đối với từng người dân. Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT là việc làm cần thiết, mang lại những tác động xã hội sâu sắc.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế: Theo thông tư mới mà Bộ Y tế vừa ban hành thống nhất giá dịch vụ KCB giữa các bệnh viện, bao gồm giá KCB có BHYT và ngoài phạm vi BHYT. Với quy định này, từ ngày 20-8, giá dịch vụ khám bệnh BHYT có điều chỉnh tăng tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, thông tư cũng quy định điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm BHYT áp dụng cho từng hạng bệnh viện. Việc thống nhất giá dịch vụ y tế dựa trên thực tế nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; KCB có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi dịch vụ theo yêu cầu là rất lớn. Bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các bệnh viện trong nước do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên thời gian qua nhiều người phải ra nước ngoài KCB. Người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng ra nước ngoài KCB đặt ra bài toán phải giải quyết hiệu quả hơn đối với công tác chăm sóc bệnh nhân.

Theo ông Liên, thông tư này cũng chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu. Người có thẻ BHYT thì đi KCB theo quy định của pháp luật về BHYT. Người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu thì thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, đối tượng chính sách thuộc diện được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT... thì việc điều chỉnh dự kiến không bị ảnh hưởng. Đối với người cận nghèo, tỷ lệ đồng chi trả là 5% nên mức độ tác động không đáng kể. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ không nhiều...

 

Nguồn: www.qdnd.vn