Làm gì để về già có lương hưu?

21/09/2019 05:38 PM


      Sự ra đời của bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây gọi là bảo hiểm tự nguyện-BHTN) trở thành “cứu cánh” cho nhiều người lao động (NLĐ) không thuộc biên chế Nhà nước, hợp đồng dài hạn...Điều đó có nghĩa từ khi có chính sách về BHTN, tất cả đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHTN để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện.

Sự ra đời của bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây gọi là bảo hiểm tự nguyện-BHTN) trở thành “cứu cánh” cho nhiều người lao động (NLĐ) không thuộc biên chế Nhà nước, hợp đồng dài hạn...

Điều đó có nghĩa từ khi có chính sách về BHTN, tất cả đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHTN để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện.

Hào hứng tham gia bảo hiểm tự nguyện

Trước kia, chỉ có những cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan Nhà nước hoặc những NLĐ có hợp đồng dài hạn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già. Còn những NLĐ tự do, như: Phụ hồ, bán vé số, nội trợ, chạy xe ôm... không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nên việc được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động là điều không thể. Tuy nhiên, từ khi có chính sách về BHTN, tất cả đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHTN để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện.

Làm gì để về già có lương hưu?

Anh Bùi Thế Đạt đang được nhân viên BHXH tư vấn về những mức đóng BHTN.

Mặc dù có bằng sư phạm và từng dạy hợp đồng ở một trường THCS trên địa bàn, nhưng với nhiều lý do nên anh Trần Minh Tuấn, 35 tuổi (khu 6, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã đứng ra thành lập trung tâm dạy thêm toán, lý. Với thu nhập từ dạy học khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh bắt đầu tìm hiểu về BHTN và được biết, nếu tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ ít nhất hơn 15.000 đồng/tháng, nhiều nhất là gần 50.000 đồng/tháng. Khi được chuyên viên BHXH tư vấn, anh Tuấn đăng ký tham gia với mức đóng hơn 500.000 đồng/tháng và chọn đóng 6 tháng/lần. “Tôi thấy mức đóng trên rất phù hợp với điều kiện hiện nay của gia đình. Và nếu sau này thu nhập cao hơn chắc chắn tôi sẽ nâng mức đóng lên để về già được hưởng mức lương cao hơn”, anh Tuấn khẳng định.

Anh Bùi Thế Đạt (xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) trước đây cũng không quan tâm đến BHTN. Chỉ đến khi được tuyên truyền về BHTN và sự tư vấn của nhân viên BHXH Nguyễn Hữu Hoàn, anh mới biết không chỉ công chức, viên chức, NLĐ đi làm tại đơn vị Nhà nước, doanh nghiệp về hưu mới có lương hưu mà nhiều đối tượng khi đóng BHTN cũng được lĩnh lương hưu khi đủ điều kiện. “Được anh Hoàn tư vấn và hỗ trợ việc đăng ký BHTN, tôi thấy thật đơn giản. Cách thức đóng tiền cũng rất linh hoạt; có thể đóng theo tháng hoặc đóng cả năm. Chỉ cần chứng minh thư nhân dân là sau 30 phút, tôi đã hoàn thành thủ tục đóng BHTN. Tôi đã lựa chọn tham gia BHTN với mức 550.000 đồng/tháng và coi đây như một khoản tích lũy khi về già”, anh Đạt chia sẻ.

Khác với anh Tuấn và anh Đạt, chị Hoàng Thị Xuân (35 tuổi, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) từng làm công nhân tại Công ty CP May Việt Hà và được đóng các khoản bảo hiểm. Nhưng làm việc được 3 năm, do thu nhập thấp nên chị xin nghỉ về nhà buôn bán. Do cần tiền làm vốn nên chị quyết định nhận BHXH một lần. Mặc dù được nhân viên BHXH khuyên không nên rút, có thể bảo lưu để đến công ty khác làm việc hoặc khi điều kiện kinh tế khá lên có thể đóng nối để sau này có lương hưu. Nhưng chị không đồng ý. Chị đã tới BHXH TP Bắc Ninh và đăng ký tham gia BHTN với mức đóng gần 1 triệu đồng/tháng. Với mức đóng này, dự kiến về già tôi hưởng lương hưu khoảng 5 triệu đồng/tháng”, chị Xuân tâm sự.

Còn nhiều khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia BHTN

Theo Phó giám đốc BHXH TP Bắc Ninh Hoàng Văn Hiển: Theo quy định của pháp luật, người tham gia đóng BHTN đủ 20 năm và đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi đối với nữ thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Số tiền hưu trí hằng tháng cao hay thấp tùy thuộc vào mức đóng BHTN của người tham gia. Bên cạnh đó, người tham gia còn được cấp một thẻ BHYT miễn phí để khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh cho đến khi qua đời. Đặc biệt, người thân của người tham gia BHTN còn được hưởng chế độ tử tuất như với người tham gia BHXH bắt buộc. Nếu người đang tham gia BHTN được 5 năm nhưng chẳng may qua đời thì người thân sẽ được hưởng chế độ tuất bằng 10 tháng lương cơ sở. Với những người đã đóng đủ số năm tham gia bảo hiểm và đã được hưởng lương hưu hai tháng đầu nhưng chẳng may qua đời thì người thân cũng sẽ được hưởng chế độ tuất bằng 10 tháng lương cơ sở và 48 tháng lương hưu của người đã mất.

Tuy nhiên, không riêng Bắc Ninh mà ở nhiều địa phương trong cả nước; câu chuyện mở rộng đối tượng tham gia BHTN vẫn đang là bài toán khó. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lượng người tham gia BHTN còn thấp là do người dân chưa có thói quen dự phòng cho những rủi ro trong cuộc sống, hoặc giai đoạn về già, hết tuổi lao động. Mặt khác, đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHTN còn hạn chế về số lượng, nghiệp vụ nên chưa giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ để người dân hiểu hết về lợi ích khi tham gia loại hình bảo hiểm này.

Nguồn: www.qdnd.vn