Bảo hiểm xã hội Việt Nam hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021

25/12/2020 04:05 PM


Sáng ngày 24/12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo BHXH Ninh Thuận và đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trên toàn thế giới; tình hình thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra ở khu vực miền Trung, miền núi phía Bắc... gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được giao năm 2020, cụ thể: Số người tham gia BHXH ước đạt 16,101 triệu người; tham gia BHYT ước đạt 87,93 triệu người; tham gia BHTN ước đạt 13,29 triệu người. Tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT ước đạt 387.168 tỷ đồng. Công tác thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT luôn được đảm bảo, kịp thời, đúng quy định. BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý, giải quyết những tồn tại vướng mắc về chế độ, chính sách; giải quyết kịp thời các chế độ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ; triển khai các giải pháp để kiểm soát tối ưu, chặt chẽ, hiệu quả các quỹ, đảm bảo chi đúng, chi đủ.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ban, ngành và các địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá về những hạn chế, cũng như những khó khăn vướng mắc trong thời gian vừa qua như: Tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến việc triển phát triển đối tượng tham gia BHXH; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến, tỷ lệ nợ đọng còn cao. Việc xử lý nợ kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... chưa được các luật có liên quan điều chỉnh. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị...

Đối với tỉnh Ninh Thuận, theo báo cáo của BHXH tỉnh năm 2020, BHXH tỉnh đã tăng cường rà soát mở rộng đối tượng tham gia trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp; củng cố mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH; các xã, phường, thị trấn bố trí các điểm thu, nhân viên đại lý thu đến từng thôn, xóm, tổ dân phố nhằm gia tăng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Dự ước đến hết năm 2020: Tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 625.589 lượt người, đạt 99,1% kế hoạch, số thu dự ước đạt 1.117.009 triệu đồng hoàn thành chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành BHXH trong năm 2020, đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Codvid-19. Những kết quả đạt được của ngành BHXH Việt Nam được ghi nhận không chỉ ở trong nước, mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại như: Số người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện còn thấp so với nhóm đối tượng tiềm năng; công tác quản lý Quỹ BHYT chưa thực sự hiệu quả, còn một số vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, chưa bảo đảm tính bền vững. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động...

Để khắc phục những hạn chế nói trên, Phó Thủ tướng lưu ý BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; có cơ chế linh hoạt xây dựng và thực thi chính sách, từng bước tiếp cận để người dân thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu hình thành thói quen tham gia BHXH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, nhất là về xây dựng, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các bên về y tế, lao động. Bởi, nếu thực hiện hiệu quả việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực đầu tư, chi phí quản lý, đem lại thuận lợi cho chính các đơn vị cũng như từng người dân./.

Trần Đình Chương, Văn phòng