Trẻ không tích lũy già nghèo khó

16/05/2023 03:06 PM


Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ có tư tưởng “tiêu trước”, tiêu tiền hôm nay thậm chí của ngày mai rồi ngày hôm sau sẽ tính. Đi làm chỉ mục đích phục vụ thỏa mãn của cá nhân trước, cho rằng vất vả kiếm tiền mà không tiêu thì sẽ thiệt thòi, là đang tự làm khổ bản thân; chỉ có một phận nhỏ có ý thức, thói quen tiết kiệm để phòng thân. Hiện trạng thực tế để so sánh và thấy rõ ranh giới giữa hai người cùng độ tuổi, cùng hoàn cảnh, cùng vạch xuất phát đến khi đủ 60 tuổi, cái tuổi để hưởng sự an nhàn giữa người có của để dành và người không có gì mới thấy được khoảng cách quá xa. Ví dụ điển hình dưới đây là hai trường hợp bà A và bà B có thể thấy rõ mỗi chúng ta cần có sự tiết kiệm khi còn trẻ để về già thảnh thơi.

Trường hợp bà A, tuổi trẻ làm việc siêng năng, nhận lương trích 1 phần để tham gia Bảo hiểm sau này nhận lương hưu, một phần trích ra để phòng khi có việc cần, hoặc khi rủi ro, phần để lo chi tiêu, con cái, đối nội đối ngoại… và với bản tính tiết kiệm nên có phần dồi dư bà A tiếp tục đầu tư vào bất động sản, vào các hình thức sinh lời khác nên đến tuổi nghỉ hưu ngoài lương hưu nhận hàng tháng, vợ chồng bà còn nhiều khoản thu nhập thêm. Cuộc sống tuổi già an nhàn, ít lo nghĩ về tiền bạc, ông bà dành thời gian tập thể dục, vui vẻ điền viên, cỏ cây, thỉnh thoảng đi du lịch trong nước ngoài nước khi có cơ hội. Ngoài ra, bà còn phụ cho con tiền để thuê giúp việc chăm sóc các cháu, xây nhà cửa cho ở riêng bà chỉ thỉnh thoảng ghé qua thăm hoặc con cháu thường qua lại nhà ông bà chơi nên cuộc sống thoải mái, vui vẻ.

Ngược lại bà A, bà B thuộc vào kiểu người hôm nay làm, hôm nay tiêu, dẫu sao có đi làm thì vẫn có lương, bà luôn suy nghĩ rất lạc quan như vậy. Bà luôn chú trọng chi tiêu cho bản thân và gia đình, bà quan trọng sự hưởng thụ nên bà mua sắm đầy đủ các tiện ích trong gia đình, chi tiêu thoải mái và bà chưa bao giờ nghĩ sẽ dành một khoản để tiết kiệm, để tham gia bảo hiểm… thậm chí bà còn nghĩ rằng về già con cái sẽ phải có trách nhiệm lo cho mình. Đến sau này, con cái kết hôn mong muốn ở riêng vợ chồng bà không có tiền để dành đành phải vay thế chấp mua nhà cho con, vay tiền cho con cưới vợ. Cũng đúng thời điểm nghỉ tuổi già thì chồng bà B chẳng may lâm bệnh nặng, phải phẫu thuật gấp, lúc này bà mới thấy sự túng quẫn, khó khăn đủ điều, không có tiền hưu, không có tiền dưỡng già…bà phải cậy nhờ gia đình con trai; khi con dâu sinh con bà không tiền cho con thuê bảo mẫu nên bà vừa chăm cháu, vừa chăm chồng đang bệnh. Ở cái tuổi đáng ra nghỉ ngơi thì bà lại phải thức đêm hôm, mệt mỏi, vất vả và phụ thuộc nên không dám kêu ca nửa lời.

Trên đây, là hai trường hợp điển hình trong xã hội hiện nay vẫn thường gặp. Tuổi già điều quan trọng nhất là sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc từ con cái, nhưng con cái ai cũng có gia đình của riêng mình, có áp lực, phải làm việc, phải nỗ lực, phải xã giao, phải chăm lo cho gia đình riêng của con cái. Hầu như con cái sẽ không có nhiều thời gian ở bên cạnh cha mẹ, chính lúc này những khoản tiền như lương hưu hàng tháng, tiền tiết kiệm, dành dụm được sẽ phát huy tác dụng. Trong túi có tiền tâm chúng ta vô cùng thoải mái, chúng ta có thể tự lo cho bản thân thậm chí còn giúp đỡ được con cái khi cần mà không trở thành gánh nặng cho chúng. Có câu “tiền tiết kiệm thời trẻ là sức mạnh của tuổi già” quả là không sai, nó có khả năng chống đỡ rủi ro, là khoản trang trải chi phí sinh hoạt, dịch vụ y tế dành cho việc chăm sóc sức khỏe. Cha mẹ thương con là khi về già không phải nhờ đến con cái phải nuôi mình, khi bạn bệnh tật con cái không có thời gian chăm sóc mình có thể thuê người chăm vì có sẵn tiền trong tay. Chính vì vậy, chủ động về tiền bạc là chủ động về cuộc sống, tương lai, chủ động trong chăm sóc sức khỏe, cuộc sống sẽ phong phú hơn với nhiều trải nghiệm khi về già. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng là hình thức tiết kiệm tiền khi trẻ và an nhàn hơn khi về già.

Tại hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau”. Chuyên gia André Gama (ILO) đánh giá dân số Việt Nam đang già hóa nhanh sẽ là áp lực lớn lên thế hệ lao động trẻ hơn, mà chuyên gia này gọi là “bánh mì kẹp”. Thuật ngữ chỉ những lao động tuổi trung niên (40 đến 50 tuổi), vừa có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già, vừa nuôi con nhỏ và lo cho chính mình.

Do gánh nhiều trọng trách, thế hệ “bánh mì kẹp” sẽ khó bảo đảm năng suất lao động, họ mất đi cơ hội thăng tiến, tích lũy, bảo đảm thu nhập lúc về già. Ðồng thời, vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại: Trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, bệnh tật. Ðiều này sẽ khiến Việt Nam chịu áp lực lớn về chi phí y tế, an sinh xã hội. “Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về an sinh xã hội, nâng diện bao phủ bảo hiểm xã hội thì tương lai có tỷ lệ lớn người cao tuổi không được hưởng bất cứ chế độ hưu trí nào, đặt gánh nặng lên vai con cái họ”, ông André Gama khuyến cáo.

Thay đổi tư duy hôm nay để có cuộc sống an nhàn hạnh phúc cho mai sau là mong muốn của Nhà nước, của chính sách An sinh xã hội./.

Ánh Phượng, BHXH Ninh Hải