Những điều cần biết khi tham gia Bảo hiểm y tế Hộ gia đình

13/07/2023 03:03 PM


Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ nguy cơ bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng, nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Thứ nhất: Nhóm tham gia BHYT Hộ gia đình (HGĐ) Theo Điều 5, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định bao gồm: Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú; những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng đã tham gia BHYT nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng và nhóm do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng; Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Lưu ý: Học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT tại nhà trường

 

Thứ hai: Mức đóng BHYT hộ gia đình

Từ 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng BHYT HGĐ, như sau:

Người thứ nhất đóng = Mức lương cơ sở x 4,5% = 972.000 đồng/năm (mức cũ 804.600 đồng/năm).

Người thứ hai đóng 70% mức đóng của người thứ nhất = 680.400 đồng/năm (mức cũ 563.220 đồng/năm).

Người thứ ba đóng 60% mức đóng của người thứ nhất = 583.200 đồng/năm (mức cũ 482.760 đồng/năm).

Người thứ tư đóng 50% mức đóng của người thứ nhất = 486.000 đồng/năm (mức cũ 402.300 đồng/năm).

Người thứ năm trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất = 388.800 đồng/năm (mức cũ 321.840 đồng/năm).

Thứ ba: Phương thức đóng: Hộ gia đình có sự lựa chọn linh hoạt phương thức tham gia 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng/lần; Trường hợp đóng đúng kỳ đã đăng ký, khi Nhà nước có thay đổi lương cơ sở không phải đóng phần chênh lệch do thay đổi lương cơ sở.

Thứ tư: Tham gia BHYT HGĐ được hưởng những quyền lợi: Được cấp thẻ BHYT khi đóng BHYT;  Được đóng BHYT HGĐ tại tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trong phạm vi cả nước; được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở KCB tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; Được KCB; Được tổ chức BHYT thanh toán chi phí KCB theo chế độ BHYT; Yêu cầu tổ chức BHYT, cơ sở KCB BHYT và cơ quan liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT; Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.

Thứ năm: Giá trị sử dụng thẻ BHYT

Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT.

Trường hợp tham gia từ lần thứ hai trở đi, muốn thẻ có giá trị sử dụng (GTSD) liên tục phải đóng tiền trước khi thẻ BHYT cũ hết thời hạn sử dụng.

GTSD thẻ: Thẻ BHYT có thời hạn sử dụng (03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng) tương ứng với số tiền đóng BHYT.

Thứ sáu: Mức hưởng khi tham gia BHYT HGĐ

Về mức hưởng, đối với các trường hợp KCB đúng tuyến trong các trường hợp sau sẽ được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng: Người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% tỷ lệ hưởng tổng chi phí KCB nếu KCB đúng nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ; chuyển tuyến KCB BHYT theo đúng quy định; khi đi KCB tại tuyến xã; chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (1.800.000 đồng/tháng) tại thời điểm đi KCB; khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến. Còn lại các trường hợp khác sẽ hưởng 80% tỷ lệ hưởng.

Đối với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến, trường hợp không có Giấy chuyển tuyến, mà xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT, được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ hưởng theo quy định: 100% KCB ngoại trú bệnh viện tuyến huyện; 100% KCB nội trú bệnh viện tuyến huyện, tỉnh; 40% KCB nội trú bệnh viện tuyến Trung ương.

Để đảm bảo quyền lợi BHYT, người tham gia BHYT hộ gia đình lưu ý: khi đi KCB BHYT, cần xuất trình thẻ BHYT hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc căn cước công dân gắn chíp; sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ và không sử dụng thẻ của người khác trong KCB; gia hạn thẻ tại tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT/trụ sở cơ quan BHXH/trực tuyến trên Cổng dịch vụ công.

Tham gia BHYT là hình thức “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. Vì vậy, mọi người dân hãy tích cực tham gia BHYT ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời cũng là cách để được chia sẻ trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và xã hội./.

Ánh Phượng, BHXH Ninh Hải