Lịch sử phát triển
01/01/2017 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
I/- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI TRÊN THẾ GIỚI:
- Bảo hiểm xã hội thời kỳ đầu: - Bảo hiểm xã hội tại các bản làng: Khi có người bị ốm đau, tai nạn chết thì họ hàng, bà con chòm xóm giúp đỡ cưu mang nhau về chăm sóc, tinh thần vật chất (lá lành đùm lá rách).
- Bảo hiểm xã hội trong các nhà thờ: Thường ở các nhà thờ có tổ chức nuôi trẻ mồ côi, tổ chức cứu tế cho người nghèo không có điều kiện sinh sống, đói rách.
- Bảo hiểm xã hội tại vùng An Pơ: Thế kỷ 16 ở vùng thung lũng An Pơ, những người trồng nho đã tự đứng ra thành lập các quỹ trợ cấp để giúp đỡ những người bị ốm đau, tai nạn bằng cách mỗi người đóng góp một phần thu nhập vào quỹ xã hội.
+ Vai trò của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội: - Mục đích, bản chất và khái niệm bảo hiểm xã hội: Từ thế kỷ 18, khi nền công nghiệp phát triển ở châu Âu thì lực lượng làm công ăn lương (công nhân) ngày càng đông. Những người này do bán sức lao động để nhận tiền lương trang trải cho cuộc sống. Khi gặp phải những trường hợp ốm đau, tai nạn, già yếu không làm việc được nên không có tiền lương để sinh sống, lâm vào cảnh khốn cùng, phát sinh nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Đồng thời những hình thức trợ cấp xã hội tự phát không đủ khả năng về kinh phí để trợ cấp ổn định lâu dài.
Thực tế đã bắt buộc chính phủ ở một số nước phải xem xét đến vấn đề bảo hiểm xã hội, nhằm mục đích huy động sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, có sự hỗ trợ của nhà nước để trợ cấp cho người lao động khi gặp những trường hợp phải nghỉ việc không có tiền lương để đảm bảo cho cuộc sống của họ.
Vì vậy, bản chất của bảo hiểm xã hội là sự tương trợ cộng đồng, là sự đoàn kết đùm bọc chia sẻ rủi ro cho nhau, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
Có nhiều khái niệm về bảo hiểm xã hội nhưng theo tổ chức Lao động quốc tế thì bảo hiểm xã hội là “sự bảo vệ của cộng đồng xã hội đối với các thành viên của mình thông qua sự huy động các nguồn đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội để trợ cấp trong các trường hợp ốm đau, tai nạn, thương tật, già yếu, thất nghiệp. Đồng thời chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con để ổn định đời sống của thành viên và đảm bảo an toàn của xã hội”.
- Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của bảo hiểm xã hội:Đối tượng điều chỉnh của bảo hiểm xã hội là người lao động (một vài trường hợp điều chỉnh quan hệ với cả thân nhân của người lao động).
Phạm vi điều chỉnh trợ cấp bao gồm các trường hợp bị mất hoặc bị ngừng thu nhập do khách quan. Theo ILO có 9 trường hợp là: ốm đau, thai sản, tai nạn, thương tật, già cả, thất nghiệp, tử tuất, chăm sóc y tế và trợ cấp gia đình.
- Các đạo luật về bảo hiểm xã hội dưới thời Bismac:Bismac là Thủ tướng nước Phổ (Đức) là người đầu tiên khởi xướng và ban hành các đạo luật về bảo hiểm xã hội:
+ 1883 Luật về ốm đau; + 1885 Luật về tai nạn; + 1888 Luật về hưu trí.
+ Sự phát triển của bảo hiểm xã hội trên thế giới:
- Bảo hiểm xã hội trước chiến tranh thế giới I:
Bảo hiểm xã hội mới được một số nước ban hành luật và tổ chức thực hiện như ở Đức, Bỉ (1905), Áo, Ý, Pháp.
- Bảo hiểm xã hội sau chiến tranh thế giới I:
Bảo hiểm xã hội được nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ thực hiện như ở Nga 1917, Phần Lan, Na Uy, Anh, Thụy Điển, Mỹ (1935).
- Bảo hiểm xã hội sau chiến tranh thế giới II:
Bảo hiểm xã hội lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippin… Hiện nay có trên 180 nước có luật về bảo hiểm xã hội.
II/- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở VIỆT NAM:
1. Giai đoạn trước năm 1945: - Trước năm 1945 ở Việt Nam chưa có pháp luật bảo hiểm xã hội. Bởi vì đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ, nghèo đói.
- Tuy nhiên nhân dân Việt Nam có truyền thống cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau những khi gặp rủi ro hoạn nạn. Đặc biệt là sự che chở của họ hàng làng xã thân tộc. Cũng có một số nhà thờ tổ chức nuôi trẻ mồ côi, thực hiện tế bần (BHXH sơ khai).
2. Giai đoạn từ năm 1945 đến 1954: - Tháng 8 năm 1945 Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tháng 12 năm 1946 Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân. Trong Hiến pháp có xác định quyền được trợ cấp của người tàn tật và người già.
- Ngày 12 tháng 3 năm 1947 Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 29/SL quy định chế độ trợ cấp cho công nhân.
- Ngày 20 tháng 5 năm 1950 Hồ Chủ Tịch ký 2 sắc lệnh là 76, 77 quy định thực hiện các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí cho cán bộ, công nhân viên chức.
Đặc điểm của chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội ở thời kỳ này là do trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ nên việc thực hiện bảo hiểm xã hội rất hạn chế. Tuy nhiên, đây là thời kỳ đánh dấu sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời những quy định về bảo hiểm xã hội của Nhà nước ở thời kỳ này là cơ sở cho sự phát triển bảo hiểm xã hội sau này.
3. Giai đoạn từ năm 1954 đến 1975: Miền Bắc được giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội nên pháp luật về BHXH được phát triển mở rộng nhanh. Điều lệ BHXH ban hành ngày 27/12/1961 có thể coi là văn bản gốc về BHXH quy định đối tượng là CNVC Nhà nước, hệ thống 6 chế độ BHXH, quỹ BHXH nằm trong ngân sách nhà nước do các cơ quan đơn vị đóng góp. Năm 1964, Điều lệ đãi ngộ quân nhân. Riêng miền Nam, BHXH cũng thực hiện đối với công chức, quân đội làm việc cho chính thể Ngụy.
4. Giai đoạn từ năm 1975 đến 1995: BHXH được thực hiện thống nhất trong cả nước. Có nhiều lần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên sau khi Nhà nước chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì chính sách BHXH bộc lộ những nội dung cần sửa đổi bổ sung.
5. Giai đoạn từ 1995 đến nay: BHXH mở rộng đối tượng, thành lập quỹ BHXH độc lập với ngân sách Nhà nước do sự đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước, thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý quỹ và giải quyết các chế độ trợ cấp.
Ngày 16/02/1995, Chính phủ có Nghị định số 19/CP thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất chức năng, nhiệm vụ các bộ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngày 24/01/2002, Chính phủ có Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển Bảo hiểm y tế thuộc Bộ Y tế sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tại sao lại chuyển Bảo hiểm y tế sang Bảo hiểm xã hội vì:
1- Thực hiện cải cách hành chính: Tách sự nghiệp ra khỏi quản lý Nhà nước (BHYT là trọng tài giữa bệnh nhân và cơ sở khám chữa bệnh).
2- BHXH, BHYT cùng chung bản chất, mục đích.
3- BHXH, BHYT cùng nhiệm vụ thu, chi (đặc thù giám định).
Nghiên cứu sơ lược về quá trình phát triển và đặc điểm của bảo hiểm xã hội ở Việt Nam nhằm giúp chúng ta phần nào có cơ sở xem xét một cách có hệ thống và đánh giá khách quan về chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội. Từ đó có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội của các nước trên thế giới.
III/- Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận khái quát kết quả 20 năm thành lập và phát triển
Nền an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Ngay từ khi thành lập nước Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản quy định về các chế độ BHXH và nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Đến năm 1994, để đáp ứng yêu cầu khách quan của sự phát triển, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có quy định về BHXH bắt buộc; Quỹ BHXH từ chỗ chủ yếu do Nhà nước bảo đảm, đã dần tiến tới hình thành nguồn Quỹ tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động, người lao động, được Nhà nước bảo trợ…
Để thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH theo cơ chế mới, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 thành lập BHXH Việt Nam thuộc Chính phủ, trên cơ sở đó BHXH Việt Nam ban hành quyết định số 33/QĐ-BHXHVN ngày 20/7/1995 về việc thành lập BHXH tỉnh Ninh Thuận. Với chức năng nhiệm vụ chính là giải quyết chế độ chính sách, tổ chức thu, chi BHXH và quản lý quỹ theo quy định của Nhà nước. Những năm đầu thành lập, BHXH tỉnh có 08 đơn vị trực thuộc gồm 4 BHXH huyện, thị xã và 4 phòng nghiệp vụ (Thu, Chế độ chính sách, Kế hoạch - Tài chính và Tổ chức – Hành chính) với 24 cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trong đó chỉ có 04 CB-CC có trình độ đại học. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc hết sức khó khăn. Đến năm 1997 tách phòng Kiểm tra ra khỏi phòng Tổ chức - Hành chính; năm 2003, thành lập mới phòng Công nghệ - Thông tin.
Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy nhà nước, ngày 24/01/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-TTg chuyển Bảo hiểm Y tế (BHYT) sang BHXH; đối với Ninh Thuận chính thức sát nhập từ 01/01/2003. Như vậy, từ thời điểm này toàn ngành tổ chức thực hiện thống nhất các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, BHXH tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Trong nhiều năm qua, BHXH tỉnh Ninh Thuận không chỉ triển khai hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn góp phần để Luật BHXH, Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội hiện nay.
Về tổ chức bộ máy Cùng với sự phát triển của toàn ngành, BHXH tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng lớn mạnh và phát triển cả về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đội ngũ CB-CC-VC của đơn vị lúc mới thành lập chỉ 24 người, chủ yếu từ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động chuyển sang, năm 2003 tiếp nhận thêm 22 CB-CC-VC từ BHYT chuyển sang. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay toàn đơn vị có 178 CB-CC-VC- LĐHĐ làm việc tại 9 phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh và 07 BHXH huyện, thành phố. Trong đó, phần lớn được đào tạo, đạo tạo lại và bồi dưỡng chuyên sâu về các nghiệp vụ liên quan. Cụ thể:
- Thạc sĩ: 01 người, tỷ lệ 0,6%;
- Đại học: 145 người, tỷ lệ 81,9% (năm 1995 là 17%);
- Cao đẳng: 03 người, tỷ lệ 1,7%;
- Trung cấp: 10 người, tỷ lệ 5,6% (năm 1995 là 37,5%);
- Trình độ khác: 18 người, 10,2% (năm 1995 là 45,8%).
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Là ngành có khối lượng công việc lớn và liên tục tăng nhanh qua các năm, thời gian qua đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các hoạt động của đơn vị để tăng năng suất lao động, hiệu quả trong công việc; tích cực chủ động phối hợp với các ngành liên quan để mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nắm bắt tình hình lao động, việc làm và thu nhập của các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia BHXH, BHYT. Kết quả tính đến 31/12/2014 số người tham gia BHXH, BHYT là 388.709 người, tăng 360.313 người so với năm 1995 và tăng 256.695 so với năm 2003; số thu 677.817 triệu đồng, tăng 671.729 triệu đồng so với năm 1995 và tăng 634.711 triệu đồng so với năm 2003.
Thực hiện giải quyết chế độ, chính sách; chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu và trợ cấp BHXH cho người lao động; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế, bảo đảm quyền lợi về khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Kết quả: Đến 31/12/2014 số người giải quyết chế độ là 20 ngàn lượt người với số tiền là 109,3 tỷ đồng. Từ 2003 đến nay có hơn 6,8 triệu lượt người KCB BHYT.
Thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và nhân dân khi tham gia thụ hưởng BHXH, BHYT. Hưởng ứng và thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành; phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy từng cá nhân, từng tập thể và toàn ngành phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Sự nổ lực phấn đấu của toàn đơn vị đã được Đảng, nhà nước, Trung ương Ngành ghi nhận thành tích và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí cho tập thể và cá nhân xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành BHXH.
Ngoài những hoạt động chủ yếu nêu trên, các nhiệm vụ công tác khác đều được đơn vị triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần hoàn thành toàn diện, xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Ngành giao trong suốt 20 năm qua.
Hai mươi năm, chặng đường đầy khó khăn, thử thách nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, BHXH tỉnh Ninh Thuận đã nỗ lực vươn lên, tự khẳng định mình và không ngừng lớn mạnh, đạt được những bước tiến vững chắc với những kết quả khá toàn diện và nổi bật.
Thực tiễn đang đặt ra cho ngành BHXH những nhiệm vụ rất lớn, đó là việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo mục tiêu lộ trình được xác định rõ tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Đề án lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua. Cùng với đó là phải quản lý, sử dụng Quỹ BHXH, Quỹ BHYT đúng quy định và có hiệu quả, nhằm bảo đảm Quỹ BHXH cân đối trong dài hạn, Quỹ BHYT cân đối hàng năm. Đồng thời, một nhiệm vụ quan trọng là phải phục vụ tốt các đơn vị SDLĐ, những người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ lớn này, chắc hẳn sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống 20 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ CB-CC-VC ngành BHXH tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục góp phần cùng với toàn Ngành xây dựng Ngành BHXH phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo đảm An sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Hình ảnh hoạt động tại Phòng Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, thủ tục BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Ninh Thuận.
Hình ảnh hoạt động xử lý nghiệp vụ tại Phòng Công nghệ - Thông tin BHXH tỉnh Ninh Thuận.
Tham gia BHXH để tuổi già an vui
Tạp chí Bảo hiểm xã hội và cuộc sống - Tháng ...
Giữ lao động trong lưới an sinh