BHXH tỉnh Ninh Thuận: Khắc phục khó khăn, vươn tới “đích” an sinh

28/07/2020 03:26 PM


Ninh Thuận ngoài những đặc sản “nắng và gió” là tiềm năng dồi dào để phát triển các dự án năng lượng sạch thì còn có các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá riêng biệt phù hợp để người dân ở nơi đây phát triển kinh tế cá thể. Chính những đặc thù đó, mà phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có quy mô hoạt động nhỏ lẻ, số đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN tính đến 30/6/2020 là 1.800 đơn vị, trong đó có 900 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (trong 900 doanh nghiệp có khoảng 50% doanh nghiệp dưới 10 lao động).

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, 6 tháng đầu năm 2020, công tác thu BHXH, BHYT, BHTN ở Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn giảm đáng kể. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm dẫn đến giảm lao động. Các hoạt động tuyên truyền trực tiếp bị hạn chế, công tác thanh tra - kiểm tra các đơn vị nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT được điều chỉnh kế hoạch, phù hợp với tình hình sản xuất của đơn vị.

Từ những khó khăn đặt ra, BHXH tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia BHYT đối với các xã vùng bãi ngang, ven biển vừa được công nhận nông thôn mới; giao chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân năm 2020. Cơ quan BHXH phối hợp với Chi cục Thuế, Sở KH-ĐT tỉnh xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH để rà soát, đôn đốc, phân công cán bộ, viên chức bám sát đơn vị sử dụng lao động tuyên truyền, hướng dẫn tham gia BHXH, BHYT.

Dù vậy, tính đến 30/6, tỉnh Ninh Thuận vẫn có 200 đơn vị bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh Covid-19, 35 đơn vị thông báo nghỉ không lương, giảm 1.600 lao động tham gia BHXH, BHYT. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các ngành xây dựng, giao thông trước đây đã nợ BHXH, BHYT kéo dài, trong năm nay lại phát sinh số nợ lớn hơn, đưa tổng số nợ BHXH, BHYT ở Ninh Thuận lên tới 46 tỷ đồng, tương đương 4,07% số thu BHXH, BHYT. Đơn cử như Công ty xuất khẩu nông sản Ninh Thuận nợ 3,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Ninh Thuận nợ hơn 1 tỷ đồng. Mặc dù các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành đã “vào cuộc” nhiều lần đối với 02 đơn vị trên nhưng số nợ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thậm chí, Công ty xuất khẩu nông sản Ninh Thuận đã bị cơ quan BHXH khởi kiện, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành do tài sản của doanh nghiệp cầm cố tại ngân hàng, trong khi đó “lãi mẹ đẻ lãi con”, số nợ ngân hàng đã lớn hơn giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp.

Ông Tống Đức Minh - Trưởng phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Ninh Thuận cho biết: Cơ quan BHXH đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khó khăn nên việc khai thác, vận động lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc bị hạn chế. Theo số liệu Chi cục Thuế chuyển sang, hiện trên địa bàn có 1.563 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, qua rà soát, mời doanh nghiệp đến cơ quan BHXH đối chiếu, kết quả cho thấy chỉ có 733 đơn vị đang hoạt động với 2.155 lao động, số còn lại không tìm thấy địa chỉ, phần lớn đơn vị không ký hợp đồng lao động, chủ yếu thuê mướn người thân trong gia đình rồi trả tiền công theo ngày. Đến hết tháng 6, mới chỉ có 100 đơn vị với 279 lao động  thamgia BHXH, BHYT.

Người lao động (bên trái) đồng ý không nhận BHXH một lần để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện sau khi được tư vấn. Ảnh: Hà Thủy.

“Trong cái khó ló cái khôn”, thông qua việc rà soát, đối chiếu các doanh nghiệp, những cán bộ Phòng Truyền thông - Phát triển đối tượng BHXH tỉnh đã phối hợp với Phòng Quản lý thu tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện, bởi nhóm đối tượng này có thu nhập ổn định. Cùng với đó, từ tháng 5, tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ của BHXH tỉnh, huyện, nếu khách hàng đến nộp hồ sơ BHXH một lần, đổi thẻ, cấp lại sổ, gộp sổ, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT... đều được mời sang bàn tư vấn để cán bộ BHXH truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện.

Anh Trần Lý Thành, ở thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đến cơ quan BHXH tỉnh xin giải quyết nhận BHXH một lần. Qua tìm hiểu hồ sơ, anh Thành có quá trình tham gia BHXH, BHYT đã 07 năm tại Công ty may gia công xuất khẩu Jean Thuận Hải (TP. Hồ Chí Minh). Do cuộc sống ở thành phố sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn, anh Thành quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp bằng nghề kinh doanh cửa cuốn. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ của BHXH tỉnh đã tư vấn, phân tích những lợi ích, nếu người lao động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cũng như những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Sau một hồi chần chừ, suy nghĩ anh Thành đã quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng phù hợp với thu nhập hiện tại.

Đại lý thu BHXH, BHYT xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Thị Thuận chia sẻ: Xã hiện có 900 hội viên phụ nữ, hàng tháng chị em có một vài buổi sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình kinh doanh, làm kinh tế giỏi của hội. Tôi tranh thủ dành chút thời gian phổ biến đến hội viên về tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trung bình mỗi tháng vận động được khoảng 15 hội viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT duy trì đạt tỷ lệ 98%. Mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ có 300 người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn xã.

Nói về hiệu quả chương trình phối hợp tuyên truyền vận động hội viên hội nông dân tham gia BHXH tự nguyện, ông Phan Văn Tính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Chính sách BHXH tự nguyện ngày càng thể hiện tính nhân văn, ưu việt, tạo điều kiện cho những hội viên nông dân của hội được tham gia BHXH tự nguyện. Với ý nghĩa này, chúng tôi luôn mong muốn ngày càng có nhiều hội viên của Hội Nông dân được “lọt” vào lưới an sinh xã hội, có cuộc sống hạnh phúc, an yên sau này. Để thu hút hội viên tham gia BHXH tự nguyện, từ việc triển khai thành công mô hình “Hội viên nông dân làm kinh tế giỏi- tham gia BHYT” tại thị xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã định hướng nhân rộng, phát triển mô hình này sang chính sách BHXH tự nguyện để tuyên truyền, vận động hội viên tham gia.

Với định hướng, mỗi đại lý thu BHXH, BHYT sẽ là những cánh tay nối dài, đưa chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người dân, người lao động. Bên cạnh việc phối hợp với Bưu điện, BHXH tỉnh Ninh Thuận cùng với Hội Phụ nữ, hội Nông dân tỉnh ký kết các chương trình tuyên truyền, vận  động các hội viên phụ nữ, nông dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT, bố trí các điểm thu, nhân viên đại lý thu đến từng thôn, xóm tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân ở 34 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn Ninh Thuận được tiếp cận chính sách BHXH, BHYT. Cùng với đó, chiến dịch ra quân tuyên truyền lưu động trong những tháng đầu năm về chính sách BHXH, BHYT đã tạo sự lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận luôn tăng. Tính đến 15/7/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh 3.000 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 92%./.

Nỗ lực duy trì bền vững tỷ lệ người dân tham gia BHYT khi đạt nông thôn mới

Nhiều xã bãi ngang đặc biệt khó khăn thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã không còn được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Mất đi “bầu sữa bao cấp”, tỷ lệ người dân tham gia BHYT nơi đây giảm mạnh. Nhằm “lấp đầy” khoảng trống về số người tham gia BHYT, những tháng qua, cán bộ viên chức của cơ quan BHXH huyện hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần, họ tất bật triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, vận động người dân tham gia BHYT.

Cuối năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện Ninh Phước đạt 98,6%, vượt 9,1% kế hoạch UBND tỉnh giao. Tuy nhiên, đến 01/01/2020 số người dân tham gia BHYT trên địa bàn giảm đáng kể.Hai xã An Hải và Phước Hải sau một thời gian nỗ lực phấn đấu được công nhận nông thôn mới vào cuối năm 2019, từ năm 2020 trở đi, người dân các xã này không còn trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được cấp thẻ BHYT. Trong khi đó, số người dân sống trên địa bàn xã An Hải, Phước Hải được cấp thẻ BHYT trong năm 2019 là 25.686 người, chiếm 20,06% dân số trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, số người thuộc hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 1.396 người so với năm 2019, người thuộc hộ cận nghèo giảm 4.760 người. Như vậy, tổng số người được hưởng chính sách BHYT từ ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng giảm so với năm 2019 là 31.842 người, chiếm 24,8% dân số trên địa bàn huyện. 

Từ thực tế trên, BHXH huyện Ninh Phước đã triển khai đồng bộ các giải pháp huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn; kêu gọi các Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm cùng chung sức chia sẻ, hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT và đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức phù hợp. Ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc BHXH huyện Ninh Phước cho biết: Trước khi đạt chuẩn nông thôn mới, người dân ở các xã bãi ngang vẫn tiếp tục sử dụng thẻ BHYT cho đến hết năm 2019. Do có thời gian chuẩn bị trong vòng 2 tháng, nên BHXH huyện đã yêu cầu các đại lý thuBHXH, BHYT tích cực đến từng nhà dân để vận động. Ngồi ở đâu cũng nói đến chuyện phòng ngừa rủi ro sức khỏe để bà con mua thẻ BHYT. Hệ thống loa truyền thanh của huyện được tăng cường thời lượng phát sóng, tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách BHYT cũng như những bất trắc xảy ra trong cuộc sống nếu không có điểm tựa BHYT. 

Anh Phạm Ngọc Mạnh - Cán bộ chuyên quản thu BHXH Ninh Phước tâm sự:  “Hơn 6 tháng nay, cứ vào các ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính là chúng em về các xã hỗ trợ các đại lý thu đi trực tiếp nhà dân, rà soát đối tượng là người dân tộc thiểu số như người Chăm, Raglai, Tày, Nùng... tiếp tục được cấp thẻ BHYT. Số người còn lại thoát nghèo thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình thì có kế hoạch để tiếp cận, vận động họ tham gia BHYT. Tuy vậy, đặc thù của người dân huyện Ninh Phước có một số lượng lớn lao động làm nghề biển, thường xuyên không ở nhà nên việc gặp gỡ, vận động họ tham gia BHYT hết sức khó khăn. Chưa kể, mỗi xã hiện có hàng trăm người đi làm ăn xa, theo quy định số hộ này vẫn được tính vào chỉ tiêu của xã về tham gia BHYT. Trong khi gần như họ không hề sinh sống tại quê nhà, vì vậy để nắm bắt và vận động đối tượng tham gia BHYT gặp nhiều trở ngại”.​

Đại lý thu BHXH, BHYT huyện Ninh Phước chị Huỳnh Thị Như Mơ chia sẻ: Người dân đang có thói quen được cấp thẻ BHYT, nay phải tự bỏ tiền mua nên đại lý càng cần phải bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động. Xác định đây là giai đoạn “cao điểm” nên tôi trực tiếp ra tận bãi biển từ sáng sớm để tranh thủ khi ngư dân lên bờ, bán thành phẩm là vận động mua BHYT luôn. Không chỉ phân tích cho họ nhận biết giá trị của chính sách BHYT mà tôi còn tư vấn tham gia BHYT đúng thời điểm để không bị gián đoạn quyền lợi được hưởng 05 năm liên tục. Nhiều người dân sau khi được tuyên truyền, họ bỏ ống tiết kiệm hàng ngày để tích lũy mua thẻ BHYT.Những gia đình đông con, khó khăn quá, tôi chia thành nhiều gói nhỏ, có thể tham gia 6 tháng/lần nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho người dân, lại dễ vận động”. 

Vẻ mặt đầy suy tư, bà Ngô Thị Rớt, thôn An Thạnh, xã An Hải chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi quanh năm gắn liền với biển, ngày nối ngày ra khơi đánh bắt. Trước đây, có ốm đau thì tạt qua đâu đó mua thuốc uống. Từ khi được Nhà nước cấp thẻ BHYT, chúng tôi yên tâm, hễ ốm đau là vào trạm y tế hoặc bệnh viện. Giờ đây, xã được công nhận nông thôn mới, bộ mặt đô thị khang trang, giao thông sạch đẹp, cuộc sống người dân có nhiều đổi thay. Những người ngư dân như chúng tôi xác định không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ nữa mà phải tự vươn lên. Số tiền lên tới gần 3 triệu đồng mua thẻ cho cả hộ gia đình gồm 6 thành viên khá lớn so với thu nhập nhưng tôi vẫn ưu tiên tham gia BHYT để được chăm lo sức khỏe tốt hơn”.

Xác định người dân vừa thoát nghèo nên kinh tế còn khó khăn, vì vậy, để một lúc chi tiền mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình không dễ dàng, bên cạnh việc truyền thông trực tiếp, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH huyện đã huy động các tổ chức từ thiện, Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm ở tỉnh Ninh Thuận và thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 120 triệu đồng mua thẻ BHYT cho các hộ gia đình khó khăn, góp phần đưa xã An Hải đến 30/6/2020 có thêm 4.750 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ gần 79%; xã Phước Hải tăng 4.404 người, đạt gần 78%. Đối với các xã có hộ gia đình thoát nghèo, cán bộ BHXH huyện và hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT kiên trì, bền bỉ đến trực tiếp từng hộ dân vận động, đến nay huyện Ninh Phước đã đạt 89,1% dân số tham gia BHYT.

Để chính sách BHYT thực sự hấp dẫn và người dân vùng bãi ngang được hỗ trợ thẻ BHYT tự nguyện tự bỏ tiền tham gia BHYT, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan BHXH đẩy mạnh công tác truyền thông BHYT thì hệ thống khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tỉnh phải được nâng cao về chất lượng. Thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ và điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt ở ngay tuyến cơ sở sẽ giúp người dân tự tin khi tiếp cận với các dịch vụ y tế và thiết nghĩ, đó là cách vận động tốt nhất người dân các xã bãi ngang được công nhận nông thôn mới tự nguyện đến với tấm thẻ BHYT lâu dài và bền vững”. 

Ngoài ra, nhằm duy trì, nâng cao chỉ tiêu người dân tham gia BHYT trong xây dựng nông thôn mới nói chung và tại các xã sau đạt chuẩn nông thôn mới nói riêng, trước hết chính quyền các địa phương cần xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua hình ảnh và minh chứng cụ thể. Cần gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong việc thực hiện duy trì và nâng cao chỉ tiêu./.

 

Tạp chí Bảo hiểm xã hội